Tóm Tắt Bài Viết
Tương tự như việc sử dụng máy móc thì bảo dưỡng xe ô tô định kỳ luôn là điều cần thiết đối với những người lựa chọn xe hơi làm phương tiện đi lại hoặc kinh doanh. Vậy các hạng mục bảo dưỡng xe ô tô quan trọng nhất gồm những gì? Các cấp bảo dưỡng xe hơi ra sao? – Cùng tham khảo ngay nhé!
Những hạng mục bảo dưỡng xe ô tô không được bỏ quên
Mặc dù những dòng xe mới, hiện đại đã được tối ưu rất nhiều về mặt công nghệ, máy móc… so với trước đây, nhưng cũng không phải vì thế mà việc bảo dưỡng xe ô tô kém quan trọng đi. Nếu muốn đảm bảo an toàn khi di chuyển cũng như giúp xe kéo dài tuổi thọ, ít hỏng hóc hơn, hãy đặc biệt chú ý 4 hạng mục bảo dưỡng xe hơi dưới đây.
1. Dầu động cơ (dầu máy)
Như các bạn đã biết, dầu động cơ là một loại chất lỏng giúp các bộ phận trong động cơ của xe hoạt động trơn tru, rửa sạch bề mặt ma sát, làm mát một số chi tiết. Sau một thời gian sử dụng xe, khí cháy từ các xi lanh và các mạt kim loại nhỏ sẽ làm bẩn dầu dẫn đến giảm hiệu quả. Ngoài ra, nhiệt từ động cơ cũng làm dầu biến chất, giảm độ nhớt. Nếu dầu trở nên quá lỏng khả năng bôi trơn của nó sẽ giảm và tăng hao mòn các chi tiết.
Theo đó, quy tắc trong việc thay dầu động cơ định kỳ mỗi 3 tháng một lần hoặc 5000 km. Nhiều chiếc xe hiện đại có thể đi 8000 km hay thậm chí là 10000 km giữa những lần thay dầu. Muốn nắm bắt chu kỳ thay dầu cho động cơ xe, hãy tham khảo sổ tay hướng dẫn bảo dưỡng của hãng. Nhiều xe hơi mới hơn được trang bị một hệ thống giám sát phức tạp để đánh giá thói quen của lái xe và hoạt động của động cơ để xác định thời gian thay dầu động cơ.
Tìm hiểu thêm: Mùng 1 âm có nên rửa xe không?
2. Má phanh (hệ thống phanh)
Về cơ bản, hệ thống phanh là một hệ thống quan trọng nhưng lại không phức tạp. Không có quy tắc về tuổi thọ của một má phanh và tần suất thay má phanh tùy thuộc vào phong cách lái xe của bạn, trọng lượng của chiếc xe, chất lượng má phanh, và trạng thái của đĩa phanh.
Đối với những người sở hữu ô tô, cách lái xe như thế nào ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thọ của má phanh như phanh mà không đạp ly hợp (điều này xảy ra nhiều với người mới lái), hay tăng tốc và đạp phanh tiên tục, phanh ở tốc độ cao… Những điều này sẽ làm cho bạn phải sử dụng phanh thường xuyên hơn và khiến chúng nhanh mòn hơn bình thường.
Các dòng xe phổ thông thì hầu như tất cả má phanh đều có bộ báo mòn phanh. Bộ này gồm một miếng kim loại nhỏ được gắn trên má phanh. Khi má phanh bị mòn, thanh này sẽ tiến gần tới đĩa phanh và lúc nó chạm vào đĩa phanh bạn sẽ nghe thấy một tiếng kêu ken két trong quá trình chạy xe lúc này bạn cần thay một cái má phanh mới.
Bạn không cần phải thay ngay khi nghe thấy nhưng hãy cố gắng đừng để quá lâu. Bởi vì nếu bạn chạy với một đĩa phanh quá mòn sẽ làm hư hỏng đến đĩa phanh và làm giảm hiệu quả phanh, có thể khiến bạn mất nhiều tiền hơn để sữa chữa.
Vì vậy, làm thế nào để biết thời điểm cần thay má phanh chính xác nhất? Theo đó, bạn có thể đưa xe của bạn vào một gara ô tô để kiểm tra. Trên một số dòng xe hiện đại có tích hợp đèn cảnh báo mà phanh mòn trên bảng taplo và khi má phanh mòn đến mức quy định đèn này sẽ sáng.
3. Bộ lọc không khí ô tô (lọc gió)
Khi bộ lọc không khí bị tắc với bụi bẩn, động cơ xe sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một bộ lọc không khí bị tắc sẽ làm giảm lượng không khí đi vào làm hỗn hợp hòa khí đậm hơn gây hao tốn nhiên liệu, giảm công suất động cơ, ô nhiễm môi trường. Tần suất mà bạn cần phải thay bộ lọc khí sẽ khác nhau rất nhiều dựa trên hai yếu tố: Quãng đường bạn lái xe và điều kiện khí hậu.
Các nhà sản xuất đều khuyến cáo khách hàng nên thay mới bộ lọc sau 10000 km. Nếu lái xe trong điều kiện khắc nghiệt (đường đất hoặc khu vực đô thị với rất nhiều bụi từ các công trình xây dựng) có thể bạn sẽ cần phải thay đổi bộ lọc không khí thường xuyên hơn. Trong một vài trường hợp, một bộ lọc có thể không sử dụng được sau khoảng 2000 km.
4. Lốp xe
Một trong những hạng mục bảo dưỡng xe ô tô tưởng đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng đó là bộ phận lốp xe. Tuổi thọ của lốp cũng không có quy luật, nó phụ thuộc vào cách bạn lái xe, điều kiện đường xá và điều kiện khí hậu. Hầu hết các lốp xe khách bình thường được đánh giá vào khoảng giữa 65000 km và 80000 km, nhưng thực tế điều này rất khó để đánh giá.
Lốp cũng như má phanh đều có một bộ báo mòn lốp. Giữa các hoa lốp, có những gờ nhỏ nổi lên cao khoảng 1.6 mm, nó là giới hạn độ sâu an toàn tối thiểu của một cái lốp. Bạn nên kiểm tra độ mòn và hư hỏng của lốp hàng tháng, điều này chỉ mất khoảng một phút thôi.
Theo kinh nghiệm của anh em đi xe, hãy rà tay của bạn trên bánh xe, đặc biệt là trên các mép bên trong và bên ngoài. Nếu bạn cảm thấy bất cứ điều gì kỳ lạ như gờ nổi không đồng đều hay lốp đã mòn quá gờ thì bạn nên thay một cái lốp mới.
Tham khảo: Dung dịch đánh bóng lốp xe giúp phục hồi độ đàn hồi và làm đen lốp như mới!
Trên đây là những thông tin về hạng mục bảo dưỡng xe ô tô cực kỳ quan trọng mà người dùng cần đặc biệt ghi nhớ. Chúc anh em vạn dặm bình an!